Đề xuất hình thức giải quyết tranh chấp trực tuyến ngoài tố tụng (ODR) tại Việt Nam

Thứ Sáu, 10 Tháng Tư, 2020 795 lượt xem Chia sẻ bài viết:
  1. Cơ chế hoạt động của hình thức giải quyết tranh chấp trực tuyến ngoài tố tụng (ODR)

Hệ thống ODR là hệ thống phần mềm được các tổ chức ODR xây dựng nhằm cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến cho các bên khi có tranh chấp phát sinh, đặc biệt phù hợp cho các tranh chấp thương mại điện tử (TMĐT), tranh chấp tiêu dùng giá trị nhỏ và các tranh chấp dân sự, kinh tế khác mà các bên có sự xa cách về mặt địa lý. Có thể thấy rằng, tùy theo chức năng và phạm vi hoạt động của từng tổ chức ODR, hệ thống ODR sẽ cho phép các bên thực hiện thủ tục giải quyết vụ việc tranh chấp của mình bằng một, hai hay cả ba phương thức sau:

  • Thương lượng trực tuyến giữa các bên tranh chấp;
  • Hòa giải vụ việc tranh chấp trực tuyến giữa các bên với sự tham gia của hòa giải viên thuộc tổ chức ODR;
  • Xét xử vụ việc theo thủ tục trọng tài trực tuyến nếu tổ chức ODR có chức năng hoạt động trọng tài.

Hình thức giải quyết tranh chấp này cho phép các bên tham gia vào từng quá trình trên nền tảng trực tuyến (từ nộp đơn yêu cầu xét xử, nộp tài liệu, bằng chứng; liên lạc giữa tổ chức ODR với các bên tranh chấp và giữa các bên tranh chấp với nhau; đến tổ chức phiên họp hòa giải, trọng tài giữa các bên; ra biên bản hòa giải, quyết định trọng tài,…) Điều này giúp tiết kiệm thời gian, thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp với chi phí thấp. Hơn nữa, sự đóng góp của công nghệ có vai trò rất đáng kể trong việc hỗ trợ các bên thông qua kiểm tra, xác thực dữ liệu, tài liệu phục vụ giải quyết tranh chấp có thể được công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ xử lý nên việc kiểm tra, xem xét tài liệu, chứng cứ của các bên nộp cho tổ chức ODR cũng sẽ được công nghệ hỗ trợ rất nhiều.

  1. Những vấn đề pháp lý liên quan tới hình thức giải quyết tranh chấp ODR

Vấn đề pháp lý đầu tiên trong giải quyết tranh chấp trực tuyến đó là việc xác thực các bên tranh chấp nhằm đảm bảo họ có năng lực tố tụng để yêu cầu giải quyết vụ việc tranh chấp, đảm bảo tính hiệu lực của biên bản hòa giải, quyết định trọng tài khi tổ chức ODR xét xử vụ việc tranh chấp.

Hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, các cá nhân khi tham gia vào các hoạt động TMĐT đều đã được cấp mã số, chứng thư công dân điện tử để tiện sử dụng hoặc họ được các tổ chức cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ sàn TMĐT kiểm tra, xác thực cá nhân nên việc xác thực lại tại tổ chức ODR là không cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều sàn TMĐT tại nhiều nước không yêu cầu xác thực định danh người tham gia giao dịch TMĐT nên sẽ gây ra khó khăn trong việc kiểm tra, xác định chủ thể giao dịch để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ khi phát sinh tranh chấp. Để thực hiện việc xác thực này, hiện nay có các phương thức công nghệ xác thực sau:

  • Xác thực bằng số điện thoại[1];
  • Xác thực bằng chữ ký số doanh nghiệp hoặc chữ ký số cá nhân mà người đó đã đăng ký với cơ quan chứng thực chữ ký số[2];
  • Xác thực qua mã xác thực một lần (OTP) thông qua các hình thức SMS OTP khi mã xác thực được gửi dưới dạng tin nhắn SMS đến số điện thoại định danh mà người đó đã đăng ký với nhà mạng; hoặc thông qua token key là thiết bị mà người đó đã đăng ký định danh với đơn vị cung cấp token và Smart OTP hay Smart Token mà người đó đã đăng ký với đơn vị cấp token qua các thiết bị smart[3];
  • Xác thực qua các đơn vị trung gian thanh toán mà ở đó các bên đã được các tổ chức này xác nhận[4]; và
  • Xác thực sinh trắc học trong trường hợp các cá nhân đó đã đăng ký dấu hiệu sinh trắc học của mình để thực hiện các giao dịch trên mạng internet[5].

Các phương thức xác thực nêu trên sẽ giúp xác thực định danh của từng bên trong một tranh chấp được gửi đến tổ chức ODR. Tuy vậy quy định có bắt buộc xác thực trong mọi trường hợp vụ việc tranh chấp hay không hay trong những trường hợp vụ việc tranh chấp có giá trị rất nhỏ ở mức nào đó thì các bên được miễn xác thực cũng cần tính đến để đảm bảo tính thuận tiện và hiệu quả cho cả hoạt động TMĐT và giải quyết tranh chấp TMĐT.

Vấn đề pháp lý thứ hai là việc kiểm tra, xác thực các tài liệu, bằng chứng được các bên cung cấp. Có thể thấy, đối với các vụ việc tranh chấp TMĐT khi các bên sử dụng dịch vụ của một hoặc nhiều bên thứ ba cho việc giao dịch thì việc thu thập dữ liệu, chứng cứ phục vụ tranh chấp sẽ rất thuận tiện nếu hệ thống ODR có thể kết nối dữ liệu đến các bên thứ ba đó. Tuy vậy, đối với các tranh chấp tiêu dùng hoặc các tranh chấp khác mà các bên muốn đệ trình vụ việc lên tổ chức ODR giải quyết thì các bên ngoài việc phải cam kết đảm bảo trung thực trong việc giao nộp tài liệu, chứng cứ thì còn cần sử dụng thêm các công cụ kiểm soát sự chính xác của tài liệu, chẳng hạn như việc sử dụng chữ ký số để ký vào văn bản. Mặc dù đa số vụ việc tranh chấp trên mạng internet có giá trị nhỏ và có thể nói các bên không có ý định làm giả tài liệu, tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp này, ngoài ra cũng cần đảm bảo tính hiệu lực của biên bản hòa giải, quyết định trọng tài đối với vụ việc tranh chấp về sau. Do đó, đối với các giao dịch TMĐT không thực hiện qua các tổ chức cung cấp dịch vụ sàn TMĐT hoặc đối với các giao dịch tiêu dùng thì rất cần có một bên thứ ba hoặc bản thân tổ chức ODR có thể cung cấp thêm dịch vụ lưu trữ dữ liệu, dịch vụ nền tảng mã hóa giao tiếp cho các bên trong giao dịch để đảm bảo tính toàn vẹn trong các thông tin và tài liệu giao dịch để phục vụ việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong tương lai (nếu có).

Vấn đề thứ ba trong giải quyết tranh chấp trực tuyến là việc đảm bảo phiên thảo luận hòa giải hoặc xét xử trọng tài được thực hiện đúng trình tự quy định pháp luật. Để thực hiện được việc này thì các tổ chức ODR cho phép các bên lựa chọn việc giải quyết theo hình thức text communication (trao đổi qua chat) hoặc video conference (họp trực truyến) và thông báo cho các bên thời gian thực hiện việc giải quyết này để các bên bố trí tham dự. Do việc tham dự này không trực tiếp nên bắt buộc các bên phải cam kết về tư cách của mình khi tham gia các phiên hòa giải, trọng tài trực tuyến trước khi tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp tiếp theo tại tổ chức ODR. Tuy vậy, trong trường hợp các bên tham gia phiên họp trực tuyến thì pháp luật tại các nước, trong đó có Việt Nam cần có sự điều chỉnh thích hợp để đảm bảo các trường hợp này sẽ không dẫn đến hậu quả vô hiệu về sau.

  1. Giải pháp thúc đẩy sự phát triển của hình thức giải quyết tranh chấp ODR tại Việt Nam

            3.1. Nâng cao sự quan tâm của nhà nước đối với việc phát triển các tổ chức ODR tại Việt Nam

            Việt Nam đã ban hành luật giao dịch điện tử từ năm 2005 và có rất nhiều quy định về TMĐT, tuy vậy chúng ta chưa có một quy định nào đặc thù cho hoạt động của các tổ chức ODR tại Việt Nam. Nếu Việt Nam không khuyến khích các tổ chức ODR phát triển thì các hoạt động TMĐT cũng như sự tiện lợi, an toàn mà công nghệ mang lại cho người dân sẽ bị đe dọa. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích và phát triển các tổ chức ODR, cụ thể bằng các giải pháp như sau:

  • Thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu nhiều được tầm quan trọng của việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc tham gia các hoạt động TMĐT.
  • Ban hành các quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng trên mạng internet, bao gồm các đơn vị cung cấp dịch vụ sàn TMĐT, ứng dụng TMĐT phải thông báo lựa chọn về tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo sự minh bạch và môi trường an toàn cho mọi người như Liên minh Châu Âu đã thực hiện từ năm 2016 nêu trên.
  • Đưa ra chính sách ưu đãi về thuế nhằm phát triển hoạt động của các tổ chức ODR. Hiện nay theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại thì tổ chức hòa giải và trọng tài thương mại đều là tổ chức giải quyết tranh chấp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Như vậy tổ chức hòa giải và trọng tài phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội. Việc quy định như vậy chưa thực sự hợp lý. Cần hiệu rằng các hoạt động này là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý và cần được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, đặc biệt đặt trong bối cảnh thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay. Do đó, pháp luật về thuế cần quy định rõ hoạt động xây dựng và phát triển các tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến ngoài tố tụng thuộc lĩnh vực được hưởng ưu đãi về thuế ở mức cao nhất theo quy định pháp luật hiện hành. Các cá nhân sử dụng dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ được miễn thuế VAT. Bên cạnh đó, các cá nhân, chuyên gia pháp luật và công nghệ tham gia vào các hoạt động giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cao nhất theo quy định, chẳng hạn như sẽ được coi là nhân lực công nghệ cao để được hưởng miễn giảm thuế thu nhập cá nhân 50% như Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi các luật về thuế thời gian qua.
  • Xa hơn Chính phủ và Nhà nước Việt Nam cần ban hành kế hoạch chương trình hành động để phát triển TMĐT cũng như kinh tế Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đưa ra yêu cầu hoàn thiện môi trường chính sách, quy định về việc phát triển các dạng thức TMĐT, công nghệ và thúc đẩy xây dựng phát triển các tổ chức hòa giải, trong tài trực tuyến hoặc các tổ chức bổ trợ tư pháp khác để thúc đẩy kiểm soát và bảo vệ các cá nhân tham gia giao dịch trên môi trường mạng internet.

            3.2. Việc định danh trong giao dịch TMĐT cần được phát triển và tạo điều kiện cho các tổ chức chứng thực chữ ký số cung cấp chữ ký số cá nhân miễn phí

            Hiện nay các cá nhân tham gia các hoạt động TMĐT chưa thực hiện việc định danh khá nhiều khiến cho ngoài việc Việt Nam bị thất thu thuế thì việc bảo vệ quyền lợi của các bên trong giao dịch TMĐT cũng trở nên khó khăn. Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện xây dựng hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân, việc này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều cho công dân, chính phủ và doanh nghiệp, giúp giảm chi phí giao dịch, tăng cường tính hiệu quả và thúc đẩy sáng tạo, đổi mới trong tiến trình cung cấp dịch vụ công, đồng thời cũng để tạo sự thuận tiện cho các bên khi thực hiện giải quyết tranh chấp bằng phương thức ODR. Để thực hiện việc này, Việt Nam cần:

–     Đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiến tới việc cấp căn cước công dân điện tử quốc gia kèm theo chữ ký điện tử cá nhân cho công dân. Có thể thấy trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai xác thực và định danh số. Từ Algeria, Zambia, Senegal ở châu Phi, Ấn Độ, Afganistan, Thái Lan ở châu Á ở mức độ phát triển chính phủ từ thấp đến trung bình cho đến Australia, Canada, Đan Mạch, Anh đã phát triển chính phủ điện tử ở mức cao, chúng ta đã chứng kiến hoạt động triển khai các chương trình căn cước công dân điện tử quốc gia. Mục tiêu chung của các chương trình này là nâng cao việc cung cấp dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời hình thành một hệ sinh thái xác thực và định danh số an toàn, có quy mô lớn và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

–     Trong thời gian chưa hoàn thiện được dữ liệu quốc gia về cư dân, cấp căn cước công dân điện tử thì Việt Nam cần thực hiện xác thực định danh công dân thông qua việc sử dụng các mã số điện tử đã cấp: mã số bảo hiểm y tế, mã số bảo hiểm xã hội, mã số thuế, mã số doanh nghiệp, mã số người gửi tiền ngân hàng, sim di động.

3.3. Tham khảo hình thức giải quyết tranh chấp ODR của Liên minh châu Âu (EU)

Các bước khiếu nại giải quyết tranh chấp TMĐT của EU:

  1. Bên khiếu nại là người mua hoặc người bán sẽ điền các nội dung yêu cầu trong bản khai thông tin, gồm các nội dung thông tin chi tiết về mình và thông tin cơ bản về bên bị khiếu nại; nội dung tranh chấp như hàng hóa, dịch vụ mua là gì, ngày mua, ngày thanh toán, số hóa đơn, lựa chọn loại khiếu nại, mô tả về khiếu nại, tranh chấp và các nội dung đề nghị.
  2. Hệ thống nền tảng ODR tại website này sẽ chuyển khiếu nại của bên khiếu nại đến bên bị khiếu nại và yêu cầu bên khiếu nại lựa chọn bên cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp được nêu tên trong website, là những đơn vị cung cấp nền tảng ODR, bao gồm cả hòa giải và trọng tài trực tuyến.
  3. Ngay khi bên cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thay thế được bên khiếu nại và bên bị khiếu nại lựa chọn thì hệ thống này sẽ chuyển nội dung khiếu nại đến cho tổ chức giải quyết tranh chấp này để thực hiện việc giải quyết tranh chấp trực tuyến.
  4. Tổ chức ODR này sẽ xử lý vụ việc và quyết định cuối cùng đạt được trong vòng 90 ngày.

[1] Xác thực bằng số điện thoại là bên bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ liên hệ hoặc gửi mật khẩu đến điện thoại của khách hàng để xác thực việc đăng ký tài khoản có sử dụng là chính xác. Ví dụ: khi ngươi sử dụng cài đặt ứng dụng chat, gọi điện internet như ứng dụng viber hay skype thì ứng dụng này sẽ cho phép bạn lựa chọn phương thức xác thực: (i) nghe đọc mật khẩu để xác thực; hoặc  (ii) người sử dụng nhận mã xác nhận qua tin nhắn SMS hoặc màn hình hiển thị mật khâu trên điện thoại.

[2] Chữ ký số hay còn gọi là chứng thư số là dịch vụ được cung cấp bởi các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Chữ ký số được sử dụng trong các giao dịch điện tử nhằm xác định danh tính của người ký, đảm bảo tính toàn vẹn và giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử. Ứng dụng này giúp việc thực hiện các giao dịch từ xa qua mạng Internet đang trở nên dễ dàng, đơn giản, tiện lợi và có độ bảo mật cao hơn so với việc giao dịch điện tử không sử dụng chữ ký số.  Thông qua hệ thống mật mã hóa khóa công khai, chữ ký số cho phép mật mã hóa thông tin đại diện cho văn bản với khóa bí mật mà chỉ có người chủ của khóa biết, nhờ đó việc xác định nguồn gốc, danh tính của người ký được đảm bảo bởi một bên thứ ba là các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, đồng thời thông qua phương pháp mật mã hóa, dữ liệu được đảm bảo tính toàn vẹn, chống chối bỏ và giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử, đặc biệt là các giao dịch về tài chính hoặc các giao dịch có giá trị lớn qua mạng internet được đảm bảo. Việc sử dụng chữ ký số để ký kết hợp đồng sẽ giúp cho HĐĐT đảm bảo được tính  xác thực và an toàn. Tuy vậy đối với các HĐĐT ký giữa các bên tại các quốc gia khác thì còn cần chờ sự chấp thuận công nhận của các quốc gia đối với chữ ký số được cung cấp tại nước kia.

[3] OTP (One Time Password) là mật khẩu sử dụng một lần và được coi là lớp bảo vệ thứ hai cho các tài khoản ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến hay email, mạng xã hội. Phương thức hoạt động của mã xác thực OTP là hệ thống của một bên, thông thường là bên bán hàng, cung cấp dịch vụ trên mạng internet, sẽ sinh ra một chuỗi số hoặc một chuỗi kết hợp cả số và kỹ tự một cách ngẫu nhiên, chỉ sử dụng được một lần, trong một thời gian rất ngắn, có thể chỉ 30 giây, 60 giây hay một vài phút sau đó sẽ không còn tác dụng và được thay thế bằng mã mới nếu người sử dụng có nhu cầu cấp lại OTP. Giả sử người sử dụng muốn chuyển tiền sang số tài khoản khác bằng Internet Banking, người sử dụng tiến hành đăng nhập bình thường bằng tên tài khoản và mật khẩu tài khoản đã đăng ký. Sau khi người sử dụng hoàn tất các thông tin giao dịch như người nhận, số tiền chuyển, hình thức chuyển,… ứng dụng Internet Banking của ngân hàng sẽ yêu cầu người sử dụng kiểm tra lại thông tin giao dịch một lần nữa kèm theo nút “Lấy mã OTP”. Sau khi nhất vào nút “Lấy mã OTP”, một đoạn mã bằng số thường gồm 4 đến 6 ký tự (tùy ngân hàng) sẽ được gửi về điện thoại của bên kia trong vòng vài phút. Lúc này người sử dụng chỉ cần nhập mã OTP trên ứng dụng để xác nhận yêu cầu giao dịch lần cuối.

Hiện nay hình thức cung cấp mã xác thực OTP phổ biến là qua tin nhắn điện thoại (SMS OTP) và Token key (Token Card), ngoài ra hiện nay đang có thêm hình thức Smart OTP hay Smart Token.

–   Đối với SMS OTP, bên bán hoặc bên cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực OTP cho khách hàng dưới dạng tin nhắn SMS đến số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký. Do số điện thoại của tất cả các khách hàng tại các quốc gia đã được các nhà mạng xác thực nên việc cung cấp SMS OTP đảm bảo đúng đối tượng và sự chính xác của người sử dụng. Hình thức xác thực này khá đơn giản và phổ biến, tuy vậy nó cũng có hạn chế là người sử dụng không thể nhận được mã OTP trong trường hợp điện thoại mất song, hay di chuyển ra nước ngoài mà không cài đặt dịch vụ chuyển vùng quốc tế.

–   Hình thức Token key là hình thức sử dụng một thiết bị điện tử có khả năng tạo ra mã xác thực OTP ngẫu nhiên sau mỗi phút mà không cần đến kết nối mạng Internet. Hình thức này thường được các ngân hàng áp dụng và mỗi một tài khoản của người sử dụng phải đăng ký sử dụng một Token riêng và không dùng chung được. Hình thức này hạn chế được các bất tiện của SMS OTP như nêu ở trên, tuy nhiên nhược điểm của nó là người sử dụng phải luôn phải mang theo thiết bị Token khá nhỏ gọn nên dễ bị mất cắp hoặc thất lạc, một số loại thông dụng với thiết kế đơn giản cũng dễ bị xem trộm mật mã OTP.

–   Đối với Smart OTP hay Smart Token, người sử dụng sẽ cài đặt một ứng dụng sinh mã OTP cài đặt vào điện thoại thông minh hay máy tính bảng hệ điều hành Android hay iOS. Để cài đặt được ứng dụng này người sử dụng phải đăng ký với ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ hoặc xác thực thông qua SMS OTP. Khi có nhu cầu sử dụng mã OTP thì người sử dụng sử dụng ứng dụng này như đối với Token Key.

[4] Giao dịch qua các trang TMĐT quy mô lớn như Amazon, Alibaba, Aliexpress, Taobao, Ebay thường sẽ giúp khách hàng mua được hàng hóa với giá rẻ nhưng cũng tiền ẩn rất nhiều rủi ro đối với cả bên bán và bên mua. Để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho cac bên tham gia TMĐT trên các trang của mình, các trang TMĐT  lớn như Amazon, Alibaba đã cung cấp thêm dịch vụ xác thực các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của bên bán và bên mua để giúp các bên có thể mở Shop, bán sản phẩm hay tăng độ tín nhiệm với các thành viên là bên mua hay bên bán khác. Khi được xác thực qua các đơn vị cung cấp sàn TMĐT như vậy thì các bên sẽ được đảm bảo an toàn khi giao dịch với nhau.

[5] Xác thực sinh trắc học là quá trình xác minh danh tính của một người sử dụng bằng cách sử dụng các phép đo hoặc các đặc điểm độc đáo khác của cơ thể như vân tay, mống mắt, khuôn mặt… để nhận dạng, sau đó đăng nhập người sử dụng vào một dịch vụ, ứng dụng, thiết bị. Việc xác thực sinh trắc học trong giao dịch TMĐT hiện đang phát triển rất mạnh tại Trung Quốc.

Để được tư vấn về lĩnh vực thương mại điện tử, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ ICT

  • Địa chỉ: N7-3, KĐT Sống Hoàng, Phường Mai Động, Quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
  • Văn phòng: 6/216 Trung Kính, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội
  • Hotline: 091.26.23.203 – 098.365.9519
  • Email: support@ictlaw.vn
  • Website: ictlaw.vn | tuvandangkykinhdoanh.net  laodongtainga.com  I laodongtainhat.com
  • Hotline tư vấn 24/7: 098.365.9519

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thibft kế web bởi Hoangweb.com
Hotline: 096.1151.079
Chat Facebook
Gọi điện ngay