Ở bài viết Điều kiện thành lập Công ty Cổ phần (Phần 1), ICTLAW đã cung cấp tới bạn đọc các điều kiện về Chủ sở hữu, ngành nghề khi đăng ký, cách đặt tên Doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết dưới đây, ICTLAW gửi tới bạn đọc các điều kiện về trụ sở Doanh nghiệp, về vốn, về con dấu và về thành viên khi thành lập Công ty Cổ phần.
Điều kiện về trụ sở của doanh nghiệp
Địa chỉ công ty là nơi tiến hành hoạt động kinh doanh. Địa chỉ kinh doanh của công ty còn quyết định đến việc cơ quan thuế nào sẽ trực tiếp quản lý.
Do vậy việc chọn địa chỉ công ty vô cùng quan trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Địa chỉ đó là nơi giao dịch, nơi làm việc của cán bộ, công nhân viên trong công ty.
Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định cụ thể về địa chỉ công ty như sau:
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Theo Điều 3, Điều 6 Luật nhà ở năm 2014 và Công văn số 2544/BXD-QLN của Bộ xây dựng về việc quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành ngày 19/11/2009 thì doanh nghiệp không được đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể.
Điều kiện về vốn
Khi thành lập công ty cần có một hợp đồng góp vốn đối với các cá nhân, tổ chức.
Việc góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty.
Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
1. Điều kiện về vốn điều lệ
Vốn điều lệ là một mức vốn nhất định khi công ty tiến hành việc đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, vốn điều lệ được quy định như sau:
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
(Theo Khoản 34, Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2020)
Tuy nhiên, vốn điều lệ được quy định theo pháp luật doanh nghiệp tương đối đa dạng và phức tạp. Chúng tôi cũng dành hẳn một bài viết về vấn đề này. Các bạn có thể đón đọc tại đây.
Pháp luật cũng chưa có quy định nào về việc số vốn tối thiểu, tối đa phải góp.
Đối với loại hình công ty cổ phần, người tham gia góp vốn có thời hạn 90 ngày để hình thành việc góp vốn, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Vì vậy, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, các cổ đông cần chú ý thời hạn góp vốn để tránh các rủi ro pháp lý đáng tiếc xảy ra.
Vốn điều lệ của công ty cổ phần phải được chia thành các phần bằng nhau.
2. Điều kiện về vốn pháp định
Vốn pháp định là một khoản vốn bắt buộc phải đáp ứng để có thể tiến hành kinh doanh một hoặc một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Nếu như công ty đăng ký những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng các điều kiện của ngành nghề đó.
Những điều kiện như: cơ sở vật chất, chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định,..
Như vậy đối với từng ngành nghề lại có những điều kiện về vốn khác nhau, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng.
3. Điều kiện về vốn ký quỹ
Vốn ký quỹ là một khoản vốn được ký quỹ để đảm bảo thực hiện các dự án đầu tư khi được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Có thể nói việc kỹ quỹ để đảm bảo khả năng thực hiện dự án đầu tư hoặc đảm bảo các khoản thanh toán nếu công ty không đủ khả năng thanh toán khi gặp khó khăn ngoài ý muốn.
Mức vốn kỹ quỹ được quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư như sau:
Mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:
a) Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;
b) Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;
c) Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.

Điều kiện về con dấu
Con dấu rất quan trọng với doanh nghiệp. Nó thể hiện ý chí của công ty trong mọi giao dịch.
Do vậy, pháp luật hiện hành cũng quy định rất chặt chẽ, quy đinh về kích thước, kiểu dáng sao cho đồng nhất, phù hợp.
Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu, thì:
“Con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước.”
Về kích thước, hình dạng con dấu, được pháp luật quy định tại Thông tư 21/2012/TT-BCA như sau:
– Đường kính: 36mm;
– Vành ngoài phía trên con dấu: Mã số doanh nghiệp, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số giấy phép thành lập, hoạt động, số giấy chứng nhận đầu tư, sau dãy số thực là loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp đầu tư 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
– Vành ngoài phía dưới con dấu: Tên cấp huyện kèm theo tên cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính;
– Giữa con dấu: Tên tổ chức dùng dấu.
Điều kiện về thành viên
Thành viên công ty cổ phần (còn gọi là cổ đông) có thể là tổ chức hoặc cá nhân.
Công ty cổ phần phải gồm tối thiểu ba cổ đông, không hạn chế số lượng tối đa các thành viên.
Công ty có thể hoạt động với số thành viên ít hơn số thành viên tối thiểu trong vòng 06 tháng, (trong trường hợp công ty không còn đủ 3 thành viên trong vòng 6 tháng liên tục, và trong thời hạn 6 tháng đó công ty không tuyển thêm thành viên, cũng không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp).
Trên đây là những tư vấn điều kiện thành lập Công ty Cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020. ICT Law hân hạnh đồng hành cùng quý khách hàng về việc thành lập doanh nghiệp. Nếu cần tư vấn cụ thể hơn, hãy liên hệ chúng tôi để nhận được tư vấn tận tình – nhanh chóng – hiệu quả nhất.
Thông tin liên hệ:




