Đầu tư quốc tế là hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động thúc đẩy môi trường kinh doanh, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, một trở ngại trong hoạt động này đó là hành vi tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư mà Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư thực hiện. Vậy hãy cùng ICT Law nghiên cứu liệu có phải trong mọi trường hợp khi thực hiện tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư, Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư đều phải bồi thường hay không?
Tước quyền sở hữu là việc chính phủ trưng thu tài sản hoặc các quyền của tư nhân có bồi thường thỏa đáng để phục vụ cho mục đích công cộng. Có thể đây là kết quả thực thi quyền trưng thu của Nhà nước. Việc tước quyền sở hữu có thể được thực hiện với sự cho phép của chủ sở hữu hoặc có thể là không. Quy trình của hoạt động này gồm ba bước: (i) thông qua quyết định trưng thu tài sản của cơ quan có thẩm quyền (kể cả tuyên bố về mục đích công); (ii) thẩm định, đề nghị; (iii) thương lượng
- Nghĩa vụ bồi thường do tước đoạt quyền sở hữu trong đầu tư quốc tế[1]
Theo nguyên tắc cơ bản của Luật đầu tư quốc tế nhằm bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ nước tiếp nhận đầu tư phải có nghĩa vụ bồi thường khi thực hiện tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, bồi thường là yếu tố then chốt trong quyết định hành vi tước đoạt quyền sở hữu là hợp pháp hay bất hợp pháp. Vì vậy, đa số các hành vi tước đoạt được ghi nhận trong thỏa thuận đầu tư quốc tế đều quy định về nghĩa vụ bồi thường.
Một hành vi tước đoạt quyền sở hữu trong đầu tư quốc tế sẽ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện sau: (i) việc tước đoạt quyền sở hữu vì mục đích công cộng (nước tiếp nhận đầu tư xác nhận); (ii) không phân biệt đối xử; (iii) có bồi thường; (iv) tuân theo thủ tục hợp lệ.[2] Theo phán quyết của Tòa công lí quốc tế thường trực trong vụ Chorzów vào đầu năm 1928, khoản bồi thường với hành vi tước đoạt quyền sở hữu hợp pháp là khoản bồi thường hợp lí (compensation), hoặc là giá trị của tài sản đã bị tước đoạt quyền sở hữu tại thời điểm thực hiện hành vi đó kèm theo lãi suất cho tới ngày thực hiện xong việc thanh toán. Hơn nữa, việc xác định giá trị khoản bồi thường phải dựa vào phương thức định giá, trong đó có thể bao gồm những lợi ích phát sinh từ khoản đầu tư đó trong tương lai.
Một hành vi không đáp ứng đủ 4 điều kiện nêu trên là hành vi tước đoạt quyền sở hữu bất hợp pháp trong đầu tư quốc tế. Đặc biệt, bồi thường đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hành vi tước đoạt là hợp pháp hay bất hợp pháp (phụ thuộc vào mức độ thỏa đáng đối với nhà đầu tư).Cũng theo phán quyết của vụ Chorzów, bồi thường trong tước đoạt quyền sở hữu bất hợp pháp (reparation) phải loại bỏ hết hậu quả của hành vi bất hợp pháp và tái thiết lập tình trạng ban đầu như khi hành vi đó chưa xảy ra. Nếu việc khắc phục để tái thiết lập tình trạng ban đầu không thể được thực hiện, chính phủ nước tiếp nhận đầu tư phải trả một khoản tiền tương đương với giá trị nghĩa vụ khắc phục. Ngoài ra, reparation có thể gồm một khoản bồi thường cho những thiệt hại không thể được khắc phục ngay khi chính phủ nước tiếp nhận đầu tư đã can thiệp.
Như vậy, phán quyết của tòa đóng vai trò đưa ra tiêu chí xác định các khoản bồi thường trong tước đoạt quyền sở hữu. Bên cạnh đó có thể kể đến nguồn luật “Các điều khoản về trách nhiệm của quốc gia với những hành vi vi phạm pháp luật” của Ủy ban Thương mại quốc tế (Điều 31). Thực tiễn xét xử của trọng tài cho thấy rằng reparation có thể bằng hoặc lớn hơn nhưng không bao giờ thấp hơn compensation. Cho dù giá trị của khoản đầu tư đều giống như nhau không kể bị tước đoạt hợp pháp hay bất hợp pháp, giá trị reparation thường lớn hơn compensation vì tồn tại một khoản nhằm khắc phục thiệt hại. Nhìn chung, theo ngữ cảnh của hiệp định đầu tư quốc tế, sự khác nhau giữa compensation và reparation bao gồm: (i) khắc phục thiệt hại đối với tài sản bị tước đoạt quyền sở hữu chỉ áp dụng với hành vi tước đoạt bất hợp pháp; (ii) thiệt hại trong tương lai có thể khác biệt với thiệt hại do hậu quả tước đoạt quyền sở hữu và không liên quan tới giá trị của tài sản tại thời điểm tước đoạt quyền sở hữu; (iii) khoản bồi thường sẽ là phần giá trị tăng lên của khoản đầu tư (nếu có) từ thời điểm diễn ra hành vi tước đoạt tính tới thời điểm có phán quyết trọng tài.
Thực tiễn cho thấy hầu hết các thỏa thuận đầu tư quốc tế đều ghi nhận nghĩa vụ bồi thường với hành vi tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số văn bản pháp lí cho phép quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể thực thi tước đoạt quyền sở hữu mà không phát sinh nghĩa vụ bồi thường. Có thể kể đến các văn bản pháp lí sau: Công ước châu Âu về nhân quyền, Hiệp định đầu tư song phương Hoa Kì – Canada; Dự thảo Hiệp định OECD về bảo vệ tài sản nước ngoài và Thỏa thuận đa phương OECD về đầu tư; Dự thảo Hiệp định Harvard về trách nhiệm quốc tế; công trình nghiên cứu “Quan hệ quốc tế của Hoa Kì” sửa đổi lần thứ ba.
Cụ thể, dưới đây là các dẫn chứng trong một vài văn bản cụ thể. Điều 1 Nghị định thư 1 Công ước châu Âu về nhân quyền đưa ra ngoại lệ cho nghĩa vụ bồi thường do hành vi tước đoạt “Mỗi thể nhân hoặc pháp nhân có quyền bình đẳng với tài sản thuộc sở hữu của họ. Không ai được phép tước đoạt quyền bình đẳng đó ngoại trừ trường hợp vì lợi ích công cộng, tuân theo điều kiện pháp luật quy định, vì nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế”. Điều 10(5) Dự thảo Hiệp định Harvard về trách nhiệm quốc tế của quốc gia với những thiệt hại cho người nước ngoài 1961 khẳng định “Hành vi tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không bồi thường mà nguyên nhân vì sự thi hành luật thuế; thay đổi chung về tiền tệ; hành động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giữ gìn trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức; thay đổi ngẫu nhiên trong sự vận hành hệ thống pháp luật quốc gia sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật”. Trong Dự thảo Hiệp định về bảo vệ tài sản nước ngoài OECD 1967, Điều 3, Điều 4 chỉ yêu cầu bồi thường nếu biện pháp được thực hiện có chủ đích tước đoạt tài sản nhà đầu tư một cách bất hợp pháp; như vậy quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể tước đoạt hầu hết giá trị quyền tài sản mà không có quy định cụ thể nào xác định hành vi đó là sự tước đoạt công khai
Để được tư vấn cụ thể liên quan tới hoạt động đầu tư, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ ICT
- Địa chỉ: N7-3, KĐT Sống Hoàng, Phường Mai Động, Quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
- Văn phòng: 6/216 Trung Kính, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội
- Hotline: 091.26.23.203 – 098.365.9519
- Email: support@ictlaw.vn
- Website: ictlaw.vn | tuvandangkykinhdoanh.net com I laodongtainhat.com
- Hotline tư vấn 24/7: 098.365.9519
[1] https://unctad.org/en/Docs/unctaddiaeia2011d7_en.pdf 20/01/2019
[2] Hanoi Law University, Texbook on International Investment Law, Youth Publishing 2017