- Quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 18, Luật SHTT 2005, thì quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền nhân thân bao gồm các quyền: 1. Đặt tên cho tác phẩm; 2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; 3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; 4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản bao gồm các quyền: a) Làm tác phẩm phái sinh; b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; c) Sao chép tác phẩm; d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Quyền tác giả không phải là kéo dài vô tận mà nó bị giới hạn bởi những yếu tố sau:
– Thời hạn: Thời hạn bảo hộ quyền tác giả không kéo dài vô hạn. Luật pháp quy định một khoảng thời gian, một thời hạn nhất định trong đó quyền của người sở hữu bản quyền có hiệu lực[1]. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 27, Luật SHTT.
– Lãnh thổ: Quyền tác giả chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà người chủ thể quyền có quốc tịch và mở rộng ra là lãnh thổ của các nước khác là thành viên của Công ước Berne về bản quyền tác giả.
– Việc sử dụng được phép: Điều 24 và 25, Luật SHTT cho phép người khác được quyền trích dẫn hợp pháp và nhập khẩu bản sao tác phẩm nhằm mục đích giới thiệu, làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình thì không phải xin phép. Việc sao chép tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại thì cũng không phải xin phép.
- Quyền liên quan
Ngoài « quyền tác giả », còn có những quyền liên quan tới, hoặc “kề cận” với quyền tác giả. Những quyền này thường được gọi tắt là “các quyền liên quan” (hay “quyền kề cận”). Người ta thường hiểu rằng có ba loại quyền liên quan, đó là: quyền của nghệ sỹ biểu diễn đối với chương trình biểu diễn của họ, quyền của nhà sản xuất chương trình ghi âm đối với bản ghi âm của họ, quyền của các tổ chức phát sóng đối với các chương trình phát thanh và truyền hình của họ. Việc bảo hộ những người giúp cho sản phẩm trí tuệ của các tác giả được truyền bá và phổ biến tới đông đảo công chúng được thực hiện thông qua các quyền liên quan.
Mục 2, Chương II, Luật SHTT 2005 quy định về các nội dung pháp luật liên quan đến các quyền liên quan. Đó là các quyền của: người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan, theo quy định tại Điều 34, Luật SHTT 2005 là: 1. Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình; 2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố; 3. Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện; 4. Thời hạn bảo hộ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.
Quyền liên quan cũng bị giới hạn về mặt thời gian, về lãnh thổ và một số giới hạn khác tương tự như đối với quyền tác giả.
- Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Ngay khi tác phẩm được công bố, chủ sở hữu và tác giả tác phẩm đã được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên để tránh trường hợp có tranh chấp xẩy ra dẫn đến việc phải yêu cầu giám định SHTT hoặc việc chứng minh trở nên khó khăn, chủ sở hữu tác phẩm cần tiến hành việc đăng ký bản quyền tác giả tại Cục bản quyền tác giả, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich để ghi nhận các thông tin về tác phẩm và là căn cứ để chủ thể giải quyết các tranh chấp bản quyền có liên quan đến tác phẩm có thể có trong tương lai.
- Các biện pháp xử lý vi phạm bản quyền tác giả trên mạng internet
Theo quy định của Luật SHTT 2005 và Nghị định số 105/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, thì có 3 biện pháp để xử lý hành vi vi phạm bản quyền, kể cả hành vi vi phạm bản quyền tác giả trên mạng internet, đó là các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Nghị định trên cũng quy định chi tiết các căn cứ xác định hành vi, tính chất và mức độ của hành vi vi phạm. Cho dù áp dụng cách xử phạt nào thì chủ bản quyền tác giả cũng cần phải xác định tính chất và mức độ thiệt hại để làm căn cứ tiến hành việc xử lý hành vi vi phạm.
Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì:
-Biện pháp dân sự cho phép chủ tác phẩm được quyền thực hiện quyền bảo vệ như sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ, gửi yêu cầu thông báo, đề nghị chấp dứt hành vi vi phạm và có thể khởi kiện ra tòa. Hiện nay, Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Toà án nhân dân, cùng với Bộ Luật dân sự, luật SHTT, Luật Tố tụng dân sự là những văn bản pháp luật chính để chủ bản quyền tác giả viện dẫn trong việc giải quyết các tranh chấp về bản quyền tại tòa án.
-Biện pháp hành chính cho phép chủ bản quyền tác giả hoặc bất kỳ một người nào khác có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm bản quyền của người khác. Hiện nay pháp luật được áp dụng để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bản quyền tác giả là Nghị định 56/2006/NĐ-CP và cả Nghị định 63/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo 2 Nghị định này là: Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan thanh tra chuyên ngành (thanh tra viên, tránh thanh tra), cảnh sát nhân dân, quản lý thị trường, ngoài ra có thể có: bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế. Hai nghị định 63/2007/NĐ-CP và 56/2006/NĐ-CP quy đinh mức xử phạt vi phạm đối với từng hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên điểm yếu cơ bản của biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là chủ sở hữu bản quyền tác giả không được phép nêu đề nghị bồ thường để yêu cầu cơ quan quản lý đòi bồ thường thay cho chủ sở hữu bản quyền.
-Biện pháp hình sự được tiến hành trên cơ sở áp dụng các quy phạm pháp luật trong Luật hình sự và luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm bản quyền bằng biện pháp hình sự là ít được sử dụng từ trước cho đến nay.
Để được tư vấn cụ thể về quyền tác giả, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ ICT
- Địa chỉ: N7-3, KĐT Sống Hoàng, Phường Mai Động, Quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
- Văn phòng: 6/216 Trung Kính, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội
- Hotline: 091.26.23.203 – 098.365.9519
- Email: support@ictlaw.vn
- Website: ictlaw.vn | tuvandangkykinhdoanh.net com I laodongtainhat.com
- Hotline tư vấn 24/7: 098.365.9519