Trong cuộc sống, mỗi con người đều có công việc nhất định và không phải ai cũng có thời gian hay đủ chuyên môn, kinh nghiệm để giải quyết công việc trọn vẹn – tinh gọn. Khi ấy chúng ta cần uỷ quyền người có chuyên môn chuyên trách thực hiện. Vậy uỷ quyền là gì? Khi nào thì nên uỷ quyền? Quy định pháp luật về uỷ quyền cùng các hình thức uỷ quyền?
Hãy để ICT Law giải đáp các thắc mắc của bạn bằng bài viết dưới đây.
1. Khái niệm và đặc điểm của uỷ quyền
a) Khái niệm của uỷ quyền
Ủy quyền là việc giao cho một người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp. Quan hệ ủy quyền thường là quan hệ giữa cá nhân với nhau mang tính chất tương trợ, giúp đỡ.
b) Hình thức uỷ quyền
Trên thực tế việc đại diện theo ủy quyền diễn ra rất phổ biến, các bên có thể thỏa thuận tiến hành giao dịch bằng nhiều hình thức, kể cả bằng miệng tuy nhiên đối với các trường hợp quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo hình thức đó mới có giá trị
c) Một số trường hợp không được uỷ quyền
Theo quy định của pháp luật những trường hợp sau không được ủy quyền:
- Đăng ký kết hôn (khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch 2014)
- Ly hôn. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì họ là người đại diện (Khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
- Công chứng di chúc của mình (Điều 56 Luật Công chứng 2014).
- Gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng. (Điểm a, khoản 1, Điều 8 Quy chế về tiền tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN)
- Quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc. Người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền (Điểm a Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
- Đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền. Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho đương sự khác mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc (Điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) v.v
d) Thời hạn uỷ quyền
Căn cứ theo Điều 563 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hạn ủy quyền do hai bên thỏa thuận hoặc do pháp luật định. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định thì thời hạn là một năm kể từ ngày xác lập ủy quyền.
“Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.”
Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền nhưng trong một số trường hợp thì thời hạn này có thể kết thúc khác so với thỏa thuận. Ví dụ công việc được ủy quyền đã hoàn thành; người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền; người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại; người đại diện không còn đủ điều kiện quy định; căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
2. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền
a) Quyền của bên ủy quyền
Theo Điều 568 bên ủy quyền có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.
2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.
Bên ủy quyền có quyền kiểm soát các hành vi thực hiện giao dịch của bên được ủy quyền. Nếu bên được ủy quyền thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc có thể gây thiệt hại, bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền bồi thường thiệt hại.
b) Nghĩa vụ của bên ủy quyền
Bên ủy quyền có những nghĩa vụ sau:
- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.
- Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
- Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.
3. Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền
a) Quyền của bên được ủy quyền
Các quyền của bên được ủy quyền:
- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.
- Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.
- Được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp có sự đồng ý của bên ủy quyền hoặc Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
Cần chú ý rằng khi ủy quyền lại thì việc ủy quyền không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu và hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
b) Nghĩa vụ của bên được ủy quyền
Điều 565 Bộ luật dân sự có quy định nghĩa vụ của bên được ủy quyền như sau:
1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.
3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.
4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.
5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.
Như vậy, bên cạnh nghĩa vụ của bên ủy quyền thì bên nhận ủy quyền phải thực hiện công việc đã được ủy quyền, bảo quản gìn giữ tài liệu được giao, giữ bí mật thông tin cho bên ủy quyền, bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền nếu gây ra thiệt hại. Có thể thấy rằng, quyền của bên ủy quyền gắn liền với nghĩa vụ của bên được ủy quyền. Đây chính là quy định ràng buộc trách nhiệm các bên trong quan hệ ủy quyền.